Vừa trở lại bối cảnh bình thường mới chưa bao lâu, các doanh nghiệp trong nước lại đối mặt với sự suy thoái của nền kinh tế. Đứng trước những khó khăn, thách thức đã được dự báo, Tổng Giám đốc MISA Đinh Thị Thúy đưa ra những định hướng hành động năm 2023 về công tác đào tạo, phát triển đội ngũ để toàn MISA trên dưới một lòng, lấy khách hàng làm trung tâm trong mọi kim chỉ nam hoạt động, hướng tới sự phát triển bền vững.
Trong vài năm trở lại đây, dấu ấn MISA trên hành trình chuyển đổi số cùng các Bộ, ban ngành, địa phương rất rõ nét. Điều này được tạo thành bởi tinh thần “làm chủ sự biến đổi” trong văn hóa mà người MISA duy trì qua gần 3 thập kỷ trưởng thành. Đồng hành cùng Chính phủ trong cuộc phát động ngày càng lớn và lan tỏa trên diện rộng, MISA tích cực nghiên cứu, phát triển các giải pháp chuyển đổi số cũng như nỗ lực triển khai tới các đơn vị hành chính sự nghiệp, xã/phường, trường học, doanh nghiệp, hộ cá thể và cá nhân.
“MISA tiếp tục là sự lựa chọn tin cậy trong việc cung cấp các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số trong thời gian tới” – bà Đinh Thị Thúy khẳng định.
Tăng cường đội ngũ có chuyên môn và văn hóa phục vụ khách hàng để phụng sự tốt hơn
Theo bà Thúy, vào năm tới, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn thì một trong những điểm quan trọng đối với các tổ chức, đơn vị đó là cần tập trung nâng cao hiệu quả về công tác quản trị – điều hành, bao gồm cả công tác quản trị trong doanh nghiệp cũng như quản lý tài nguyên, tài chính ngân sách Nhà nước. Có thể nói, chính các giải pháp chuyển đổi số sẽ là phương tiện hữu hiệu để các đơn vị thay đổi phương thức quản lý, tăng năng suất và chất lượng, bắt kịp với xu thế hiện nay.
Nắm bắt được nhu cầu từ thực tiễn, MISA cũng tự mình đặt ra mục tiêu phục vụ được nhiều khách hàng hơn, chất lượng tốt hơn. MISA không chỉ đáp ứng các sản phẩm dịch vụ cốt lõi từ trước tới nay như tài chính, kế toán mà còn mở rộng thêm các dịch vụ kết nối, liên thông như kết nối với các cơ quan Nhà nước (Thuế, Bảo hiểm xã hội…), Ngân hàng, các đối tác cung cấp dịch vụ gia tăng khác.
Năm 2023, MISA đặt mục tiêu phụng sự gần 350.000 khách hàng bao gồm các khách hàng hiện tại và khách hàng mới. Trong đó có 55.000 đơn vị Hành chính sự nghiệp, 10.000 xã/phường, 30.000 trường học, 250.000 doanh nghiệp, 25.000 hộ kinh doanh và gần 3 triệu khách hàng cá nhân.
Để làm được điều này, MISA tập trung vào các hướng:
Ở góc độ sản phẩm, MISA không ngừng cải tiến các tính năng sản phẩm dựa trên việc áp dụng phương pháp Design Thinking với những khảo sát và ghi nhận từ ý kiến của người sử dụng để bám sát nhất với thực tế. Với các sản phẩm thế mạnh dòng tài chính kế toán, MISA sẽ đón đầu việc đáp ứng các chuẩn mực về báo cáo tài chính IFRS, VFRS trên phần mềm, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi và đáp ứng kịp thời theo cơ chế mới. Đối với các sản phẩm khối hành chính sự nghiệp sẽ tăng cường các tính năng kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến, thuế, bảo hiểm xã hội, hóa đơn điện tử, chữ ký số…
Ở góc độ tổ chức hoạt động kinh doanh, MISA tăng cường đội ngũ kinh doanh, đào tạo chuyên môn, có nhiều hoạt động về mặt cải tiến các thủ tục, quy trình tác nghiệp với khách hàng theo hướng tự động, thuận tiện hơn và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
“MISA luôn nỗ lực để các khách hàng, các đối tác được trải nghiệm những sản phẩm tuyệt vời, giúp xử lý công việc thông minh hơn, hiệu quả hơn, tiện ích hơn”
Ở góc độ tổ chức đội ngũ, MISA chú trọng tới việc xây dựng năng lực và văn hóa cho đội ngũ nhân viên, đặc biệt là văn hoá phục vụ khách hàng, thông qua việc xây dựng và phát triển văn hoá của MISA cho toàn bộ nhân viên từ khối kinh doanh đến khối sản xuất. Đây vốn là hoạt động MISA vẫn duy trì trong thời gian qua nhưng sẽ có những bước tập trung và chuyên sâu hơn trong năm 2023.
Việc phổ biến và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp mỗi cán bộ nhân viên của MISA được bồi đắp niềm tin và tự hào về công ty. Mỗi người sẽ là một đại diện của MISA, thấm nhuần bộ quy tắc ứng xử MISA, tinh thần MISA, văn hóa phục vụ khách hàng của MISA để có được tâm thế phục vụ khách hàng tốt nhất.
Mỗi đại diện của MISA là một chuyên gia về tư vấn chuyển đổi số để giúp khách hàng ứng dụng hiệu quả hơn
Nói về những đóng góp sâu hơn của MISA trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy cho biết: các chương trình đào tạo của MISA được xây dựng cho đội ngũ kinh doanh, tư vấn để giúp họ trở thành các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số có am hiểu chuyên môn nghiệp vụ cũng như thấu hiểu các vấn đề của khách hàng. Từ đó có thể tư vấn để khách hàng áp dụng hiệu quả giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động của đơn vị.
Ngoài ra, trong kế hoạch dài hạn, MISA cũng mở rộng hợp tác với các đại lý, đơn vị, tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp, các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp từ khi mới thành lập, các tổ chức cá nhân cung cấp dịch vụ kê khai, quyết toán thuế… tham gia vào Nền tảng kế toán dịch vụ MISA ASP. Thông qua đó, các đối tác sẽ trở thành cánh tay nối dài của người MISA để hỗ trợ cho khách hàng sử dụng sản phẩm thuận tiện hơn, tối ưu chi phí hơn và tiện ích hơn.
Nâng cao công tác tư vấn và hỗ trợ khách hàng để “Khách thích – Khách yêu – Khách chia sẻ”
Về công tác tư vấn và hỗ trợ khách hàng, MISA đã có kế hoạch để tăng cường đội ngũ lên tới 300 cán bộ nhân viên phục vụ trực tổng đài, tư vấn hỗ trợ kịp thời cho khách hàng qua các kênh, tiếp tục cung cấp hệ thống tài liệu hướng dẫn trực quan ngay trên giao diện phần mềm để tương tác trực tiếp với khách hàng… Năm 2022, MISA phát hành kênh LiveChat (ứng dụng chat trực tuyến, được tích hợp trực tiếp trên phần mềm MISA) đã mang lại hiệu quả cao, hỗ trợ được hơn 60% khách hàng thông qua kênh miễn phí này.
“Lấy khách hàng làm trung tâm” không chỉ là một chiến lược, mà đó là văn hóa trong phục vụ khách hàng của MISA – Tổng Giám đốc MISA khẳng định.
Cánh cửa năm mới đã mở ra, với khí thế và tràn đầy nhiệt huyết, đội ngũ MISA đang chung sức hành động, nâng cao trải nghiệm khách hàng vì mục tiêu “Khách thích – Khách yêu – Khách chia sẻ”.